Giống như nhiều trẻ em khác, Gracie Ingram (9 tuổi) khi còn nhỏ thường xuyên mút tay. “Lúc bé, thay vì mút núm vú, cháu thích mút ngón tay”, cô bé cho biết.
Và cũng giống như nhiều phụ huynh, người cha Chris của bé dường như bất lực, không thể ngăn bé lại.
“Con bé khá ương bướng dù chúng tôi làm nhiều cách”, ông kể. Nhưng hóa ra thói quen tưởng như “xấu” của Gracie lại có lợi ích cho sức khỏe.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Pediatrics cho thấy, những trẻ thường cắn móng tay và mút ngón tay có thể giảm 1/3 khả năng bị dị ứng.
“Tác động của cát, cỏ, bụi mịn, và lông chó (gây dị ứng) được giảm thiểu đáng kể”, tác giả Malcolm Sears – nhà nghiên cứu của Viện Firestone về sức khỏe hô hấp ở Ontario, Canada cho biết.
Theo đó, đây có thể là một ví dụ về những gì được gọi là thuyết vệ sinh – quá sạch sẽ và tránh tiếp xúc với các vi sinh vật trong môi trường có thể làm tăng nguy cơ dị ứng của trẻ.
“Tiếp xúc sớm với bụi bẩn không phải là một điều xấu”, Sears nói. “Khi trẻ mút ngón tay hoặc cắn móng tay, chúng đang tự mình bổ sung vi khuẩn hoặc bụi bẩn để kích thích hệ thống miễn dịch”.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét thói quen mút ngón tay, cắn móng tay của hơn 1.000 trẻ em ở New Zealand ở lứa tuổi 5, 7, 9 và 11; sau đó kiểm tra khả năng dị ứng khi các em 13 và 32 tuổi.
Kết quả cho thấy, các em thường xuyên mút tay, cắn móng tay có độ nhạy cảm với chất gây dị ứng thấp hơn ở những em không làm việc này. Ở độ tuổi 32, kết quả khá tương tự cho dù còn một số yếu tố khác ảnh hưởng như quan hệ tình dục, lịch sử dị ứng của cha mẹ, vật nuôi trong nhà, hay dùng thuốc lá…
Dĩ nhiên, nghiên cứu trên không đồng nghĩa với việc cha mẹ cho con thoải mái cắn móng tay hoặc mút ngón tay. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyên rằng, việc này có thể ảnh hưởng tới răng của trẻ.
Thái An (Theo CBS News)